Phát hiện loài khỉ lai bí ẩn trên đảo Borneo

08/05/2022 06:45
Nghiên cứu mới trên tạp chí Linh trưởng học quốc tế mô tả con lai của khỉ vòi và voọc bạc, hai loài khỉ khác biệt có họ xa.

 

Phát hiện loài khỉ lai bí ẩn trên đảo Borneo

Con khỉ lai (giữa) có cả đặc điểm của khỉ vòi (phải) và voọc bạc (trái). Ảnh: Nicole Lee

Loài linh trưởng kỳ lạ được phát hiện lần đầu tiên gần sông Kinabatangan trên vùng đảo Borneo thuộc Malaysia vào năm 2017 khi cá thể còn là con non. Các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích ảnh của con khỉ nhằm xác định nó là loài nào và nhận thấy điều cực kỳ hiếm gặp. Kết quả phân tích cho thấy con khỉ là loài lai giữa khỉ vòi và voọc bạc. Dù hai loài này sinh sống trong cùng khu rừng, chúng có nhiều đặc điểm rất khác nhau và là họ hàng xa.

Đây là lần đầu tiên con lai của hai loài được ghi nhận, đồng thời là lần thứ hai giới nghiên cứu quan sát con lai khác chi ở linh trưởng hoang dã. Con lai giữa hai loài họ gần khá phổ biến, nhưng con lai của hai loài họ xa xuất hiện rất ít trong tự nhiên.

Khỉ vòi và voọc bạc thậm chí không cùng chi. Hai loài khỉ này có hình dáng bên ngoài khác hẳn nhau. Khỉ vòi lớn hơn voọc bạc. Chúng cũng có khuôn mặt với màu lông sáng và chiếc mũi lớn trong khi voọc bạc có bộ lông đen và chiếc mũi nhỏ. Tuy nhiên, con khỉ lai có đặc điểm của cả hai loài.

Quá trình lai có thể dẫn tới vô sinh, đặc biệt với những loài họ xa, do lỗi ở nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, một bức ảnh mới hơn cho thấy con khỉ lai cái có khả năng sinh sản. Bức ảnh chụp vào năm 2020 ghi hình con khỉ ở con non với phần ngực cương lên, chứng tỏ nó đang cho con bú. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn lo ngại về tác động của việc lai tạo.

Nadine Ruppert, giảng viên ở Đại học Khoa học tại Malaysia, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng đây là dấu hiệu đáng báo động về hệ sinh thái đang mất cân bằng. Theo ông, con đực của cả hai loài thường lang thang xa gia đình khi trưởng thành để tìm cơ hội ghép đôi. Môi trường sống bị phân mảnh đang ngăn chặn cơ hội ghép đôi của chúng. Điều đó có thể lý giải cho sự ra đời của con khỉ lai.

Sự phân mảnh môi trường sống trong khu vực chủ yếu do quá trình phát triển cảnh quan và nông nghiệp gây ra. Về lâu dài, một trong hai loài linh trưởng có thể bị thay thế bởi loài còn lại. Hiện nay, khỉ vòi đang chiếm ưu thế so với voọc bạc. Nếu môi trường sống không được khôi phục, có thể một loài lai khác sẽ sớm xuất hiện. Nhưng rất khó xác định đây có phải sự việc ngẫu nhiên nếu không nghiên cứu sâu hơn và theo dõi trong dài hạn.

An Khang (Theo Newsweek)

vnexpress.net

Phát hiện loài khỉ lai bí ẩn trên đảo Borneo - Khoa Học