Bi kịch của 'siêu bác học': Ghi nhớ hơn 12.000 quyển sách, không cài được cúc áo

14/02/2023 13:59
Bất chấp chứng rối loạn di truyền hiếm gặp FG, Kim Peek là một thần đồng với khả năng ghi nhớ 'vượt cả phi thường'.

 

Kim Peek (1951-2009) được nhận xét là "cực kỳ thông thái" (megasavant). Ông có một trí nhớ thấu niệm (eidetic memory) hay còn gọi là trí nhớ chụp hình, nhưng cũng bị các khuyết tật do các bất thường về não bẩm sinh.

16 tháng tuổi ghi nhớ sự việc, ít nhất 12.000 quyển sách trong não

Kim Peek sinh ra tại thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah (Mỹ). Từ nhỏ, ông bị mắc chứng đầu to (macrocephaly) gây hại cho tiểu não và làm thiếu cấu trúc nối liền 2 bán cầu não- điều được cho cấu thành nên trí nhớ phi thường của ông.

Theo cha của Peek, ông có thể nhớ các sự việc ngay từ khi mới 16–20 tháng tuổi. Ngay từ bé, Peek đã có thói quen đọc sách.

Ông đọc một quyển sách trong khoảng một giờ, và nhớ hầu hết mọi nội dung lớn hay tiểu tiết trong đó, từ thời gian, vị trí, nhân vật...

Kỹ thuật đọc của Peek là đọc trang bên trái bằng mắt trái và trang bên phải bằng mắt phải. Bằng cách này, ông có thể đọc 2 trang cùng một lúc với tốc độ khoảng 8–10 giây/trang. Người ta cho rằng ông có thể nhớ lại nội dung của ít nhất 12.000 quyển sách ông đã đọc.

Năm 1969, ở 18 tuổi, Peek được thuê tính bảng lương cho 160 người. Ông hoàn thành chính xác chỉ sau vài giờ ngắn ngủi mà không cần dùng đến máy tính. Tuy nhiên, ông thất nghiệp sau đó vì quá trình tính lương được máy tính hóa.

Năm 1984, nhà viết kịch đại tài Barry Morrow đã gặp Peek. 4 năm sau, kiệt tác "Rain Man" ra đời với nhân vật chính Raymond Babbitt được lấy cảm hứng từ Peek. Phim đại thắng với 4 giải Oscar danh giá vì giá trị nhân văn giúp nâng cao nhận thức về bệnh tự kỷ và các khiếm khuyết phát triển khác.

Năm 2004, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mời Peek đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu bộ óc dị thường của ông. Mục đích của NASA là nắm bắt những gì diễn ra trong não khi Peek nói và suy nghĩ.

“Kim không giống bất cứ nhà bác học siêu phàm nào. Đây là một trường hợp độc nhất vô nhị”, kết luận của NASA.

Khó khăn giao tiếp và chật vật sinh hoạt hàng ngày

Bi kịch cuộc đời của Kim Peek nằm ở những hạn chế mà khuyết tật gây ra. Mặc dù có khả năng ghi nhớ đặc biệt nhưng Peek gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và ngay cả các công việc sinh hoạt hàng ngày.

Bi kịch của 'siêu bác học': Ghi nhớ hơn 12.000 quyển sách, không cài được cúc áo

Peek đã không thể đi lại được cho đến năm 4 tuổi khi ông học cách lê bước chân. Peek không thể cài nổi cúc áo sơ mi của mình và gặp khó khăn với các kỹ năng vận động thông thường khác bởi tiểu não của ông bị tổn hại.

Năm 6 tuổi, Peek từng được phẫu thuật thùy não để xử lý tình trạng tự nói chuyện và hiếu động liên tục.

Vừa vào tiểu học, ông được nhà trường gửi về bởi không thể tập trung quá 7 phút trong lớp. Bởi vậy, gia đình phải thuê giáo viên đến nhà dạy kèm. Năm 14 tuổi, Kim Peek đã học xong toàn bộ chương trình phổ thông.

Dù não chứa đựng được lượng khổng lồ thông tin nhưng Peek khó khăn trong việc hiểu, cắt nghĩa hay giải thích những ý niệm trừu tượng của ngạn ngữ hay những từ ẩn dụ.

Trong sát hạch tâm lý, Peek đạt điểm dưới trung bình, có IQ là 87 (chỉ số thấp).

Peek cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và hiểu lầm từ những người không biết và cảm thông cho tình trạng của ông.

Năm 2009, ở tuổi 58, Peek qua đời do bị nhồi máu cơ tim.

Nguồn vietnamnet.vn

Bi kịch của 'siêu bác học': Ghi nhớ hơn 12.000 quyển sách, không cài được cúc áo - Khoa Học