Nếu ước tính này là chính xác, Gran Abuelo sẽ trở thành cây già nhất thế giới, nhiều hơn gần 600 năm tuổi so với kỷ lục chính thức hiện tại do cây thông Methuselah (Pinus longaeva) ở California nắm giữ.
Tuy nhiên, nghiên cứu do nhà sinh thái học Jonathan Barichivich từ Phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường và Khí hậu Paris và Giáo sư lâm nghiệp Antonio Lara tại Đại học Austral của Chile dẫn đầu vẫn đang gây tranh cãi bởi các tính toán của họ dựa trên mô phỏng máy tính thay vì phân tích vòng sinh trưởng - một phương pháp được xem là tiêu chuẩn vàng để xác định tuổi của cây.
Cây bách Gran Abuelo trong Vườn quốc gia Alerce Costero ở Chile. Ảnh: Chile Today
Gran Abuelo là một cây hạt trần thuộc họ Bách có tên khoa học là Fitzroya cupressoides. Nó cao tới 60 m, vượt lên trên tầng rừng mù sương trong Vườn quốc gia Alerce Costero ở Chile. Ban đầu, cây được cho là khoảng 3.500 năm tuổi, "nhưng các nhà khoa học chưa bao giờ phân tích nó một cách có hệ thống", Barichivich cho biết.
Vì vậy, vào năm 2020, Barichivich cùng với Lara đã sử dụng kỹ thuật không phá hủy để khoan một lõi nhỏ trên thân cây, lấy được những vòng sinh trưởng tương đương 2.465 năm tuổi. Tuy nhiên, họ không thể khoan tới tâm của Gran Abuelo - có đường kính thân lên tới 4 m - có nghĩa là không thể đếm đủ số vòng sinh trưởng của cây.
Để ước tính số vòng còn lại, nhóm đã phát triển một mô hình toán học để mô phỏng cách Fitzroya cupressoides phát triển với tốc độ khác nhau, từ cây non đến cây trưởng thành. Mô hình cũng xem xét các thay đổi về tốc độ tăng trưởng dựa trên sự cạnh tranh và những biến động của môi trường và khí hậu.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình này để mô phỏng quỹ đạo tăng trưởng của cây trong 10.000 lần và đưa ra một loạt các dự đoán độ tuổi cho Gran Abuelo. Kết quả là tất cả mô phỏng đều dự đoán nó ít nhất là 4.100 năm tuổi, trong đó có khoảng 80% khả năng cây đã tồn tại từ 5.000 đến 5.400 năm.
"Ngay cả khi cây lớn rất nhanh, với kích thước khổng lồ hiện tại, nó không thể trẻ hơn 4.100 năm tuổi được", Barichivich nhấn mạnh.
Cây thông Methuselah 4.853 năm tuổi ở California hiện được công nhận là cây già nhất còn sống trên thế giới.
Ảnh: Piriya Photography
Một yếu tố khác cho thấy cây Gran Abuelo rất già là dựa vào quy luật sinh học được gọi là "sự đánh đổi tuổi thọ sinh trưởng", có nghĩa các loài sinh trưởng chậm có xu hướng sống lâu hơn, Barichivich nói thêm. Những cây Fitzroya cupressoides mọc rất chậm, chậm hơn cả những loài sống lâu năm nổi tiếng khác như cự sam Sequoiadendron giganteum và thông Pinus longaeva.
Mặc dù đã tồn tại suốt hàng nghìn năm, tương lai phía trước của Gran Abuelo chưa được đảm bảo. Biến đổi khí hậu với những đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đang làm tổn thương cây bách cổ thụ này. Việc tạo lối đi xung quanh gốc cây và cho phép mọi người đến gần để tham quan cũng gây áp lực lên rễ của nó.
Để bảo vệ Gran Abuelo khỏi bị hư hại thêm, Barichivich và các đồng nghiệp của ông đã đề xuất đặt một tấm màn lưới cao 3 m xung quanh cây để ngăn mọi người đến quá gần, đồng thời thiết lập lối đi mới cách xa hệ thống rễ cổ của nó.
Đoàn Dương (Theo Live Science)