Sáng 6/9, tại xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2022). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... đã tới dự lễ.
Ông Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Thông Lạng, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Lê Hồng Phong sớm tham gia cách mạng và gặp gỡ, nên duyên với người con gái cùng chí hướng Nguyễn Thị Minh Khai (SN 1910, quê thị xã Vinh, Nghệ An). Năm 1934, đám cưới của hai người cộng sản được tổ chức giản dị, ấm cúng tại Thượng Hải, Trung Quốc, trước sự chứng kiến của các đồng chí. Từ giây phút thành vợ chồng đó, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai gắn tình yêu của mình với cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những thăng trầm và cả sự hi sinh.
Theo phân công của tổ chức, năm 1936, bà Nguyễn Thị Minh Khai về nước, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tầng lớp công - nông. Ông Lê Hồng Phong trở về sau đó, hoạt động bí mật ngay tại Sài Gòn nhưng vì yêu cầu công tác, ông bà không ở chung, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau bàn bạc việc nước. Năm 1939, người con gái duy nhất của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai ra đời, được đặt tên Nguyễn Thị Hồng Minh, ghép từ tên đệm của cha và mẹ.
Gửi con nhỏ cho người khác nuôi, bà Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị quân Pháp bắt lần thứ nhất ở Sài Gòn và bị kết án 6 tháng tù, bà Nguyễn Thị Minh Khai phải rút vào hoạt động bí mật. Ngày 30/7/1940, bà bị thực dân Pháp bắt giam, lúc này, Lê Hồng Phong cũng bị bắt giữ lần thứ 2. Để đảm bảo bí mật cho hoạt động của tổ chức, trước đòn tâm lý thâm độc của quân thù, bà tỏ rõ không quen biết Lê Hồng Phong khi ông bị đưa đến trước mặt bà.
Dù bị tra tấn hết sức dã man, tàn bạo nhưng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, không để ảnh hưởng đến tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh đang lên cao...
Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo, nếm đủ mọi đòn tra tấn dã man nhất của bọn cai ngục ở nơi được xem là "địa ngục trần gian". Trong lao tù, Lê Hồng Phong tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Hình ảnh người tù cộng sản Lê Hồng Phong điềm nhiênbưng bát cơm nhuộm đỏ máu ăn đã trở thành biểu tượng của khí phách hiên ngang, không nao núng, lùi bước trước quân thù. Lúc này, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp kết án tử hình và xử tử vào ngày 28/8/1941.
Phân cảnh trước lúc hi sinh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong "gặp" người vợ, người đồng chí của mình, cùng với đó là nỗi đau đáu về sự nghiệp cách mạng dở dang, về người con gái duy nhất sớm phải xa lìa vòng tay bố mẹ để lại ấn tượng mạnh đối với khán giả.
Lê Hồng Minh được giao cho một gia đình đồng chí của bà Nguyễn Thị Minh Khai nuôi dưỡng chỉ sau khi chào đời ít ngày. "Hồng Minh ơi, thương con còn bé, rồi lớn lên con sẽ hiểu được thế nào là nghĩa nước, tình non... Minh Khai ơi, đừng khóc, hãy cười lên mặc nước mắt rơi. Rồi con sẽ hiểu thôi, con đường ta đi, mai này con sẽ chọn...".
Phân cảnh xúc động về những người cộng sản gác lại tình riêng lo cho dân, cho nước, luôn đau đáu về vận mệnh của dân tộc đã lấy đi nước mắt của nhiều người.
Trưa ngày 6/9/1940, vào đúng sinh nhật 40 tuổi, Lê Hồng Phong hi sinh sau thời gian dài chiến đấu với kẻ thù nơi chốn ngục tù. Trước khi hy sinh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
Cho đến những giây phút cuối cùng, cuộc đời và tình yêu của Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai vẫn gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: "Đó là biểu tượng cao đẹp của một gia đình cách mạng tiêu biểu, đã tận tụy phấn đấu, vượt lên mọi gian khổ hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và Nhân dân lên trên hết, trước hết.