Nơi thâm sơn cùng cốc của đại ngàn Pù Mát, lực lượng kiểm lâm và nhóm chuyên trách bảo vệ rừng đã vượt hơn 70.000km để bảo vệ động vật hoang dã.
Đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, trải dài với hơn 95.000 ha rừng nguyên sinh, hàng trăm loài thú, chim, bò sát... Nơi đây, cuộc chiến với lâm tặc chưa khi nào hết "nóng".
Tháng 6/2018, lần đầu tiên tại Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã phối hợp Vườn Quốc gia Pù Mát thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, với mục đích ngăn chặn, chống săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng, tháo gỡ những bẫy thú được lâm tặc giăng như mắc cửi giữa chốn rừng thiêng nước độc.
Mỗi chuyến tuần tra của đội bảo vệ rừng thường kéo dài cả tuần, có khi lâu hơn
Để được tuyển vào đội hình bảo vệ rừng chuyên trách, ứng viên phải là những người có sức khỏe vượt trội, sức bền phi thường, có kỹ năng đi rừng, chấp nhận "ăn sương nằm gió" với những chuyến tuần tra dài ngày nơi chốn "thâm sơn cùng cốc" lạnh thì thấu xương, nắng cháy da chaý thịt. Và điều không thể thiếu, là phải yêu rừng, yêu động vật hoang dã.
Băng qua những con suốt, ghềnh thác cheo leo
Mỗi tháng họ phải lặn lội, ăn ngủ trong rừng với ít nhất 2 chuyến tuần tra, mỗi chuyến kéo dài ít thì 1 tuần, có khi lâu hơn. Mỗi nhóm khoảng 6 - 8 người, nòng cốt là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát.
Hiểm nguy nguy rình rập
Với hành trang là bản đồ, máy định vị, đèn, bật lửa, thuốc men, mỗi người giữ rừng phải gùi thêm hàng chục kg nhu yếu phẩm như võng, màn, gạo, nước mắm, cá khô… Trước lúc lên đường, đối diện với họ là những kẻ săn bắn thú rừng với súng tự chế luôn thường trực ngang hông; là những thác ghềnh, vách đá dựng đứng, với muỗi, vắt, rắn, rết... nơi bạt ngàn rừng núi hoang vu đang đón đợi.
Từ thời điểm thành lập năm 2018, tính sơ sơ quãng đường đi bộ của anh em trong đội đã ngót nghét 70.000 km
Những chuyến tuần tra kéo dài cả tuần trời, họ không nhớ nổi đã băng qua biết bao cánh rừng già, khe suối, ghềnh đá cheo leo. Ngày mải miết những bước chân không nghỉ, tối mắc võng ngủ giữa rừng sâu hun hút. Hiểm nguy dính bẫy thú lâm tặc giăng như mạng nhện trong rừng thậm chí ám ảnh họ ngay cả trong những giấc mơ.
Bữa cơm giữa rừng già với cá khô, vừng lạc
Thiếu nước cũng là một mối lo. "Có những hôm đi nửa ngày trời không gặp nguồn nước. Lúc thì đang ngủ bỗng lũ ập về không kịp trở tay" - anh Lê Thành, một thành viên trong đội nhớ lại.
Nhiều động vật quý hiếm được giải cứu
Những người bảo vệ rừng chuyên trách từ ngày thành lập đã thực hiện hơn 2.000 chuyến tuần tra, với gần 8.000 ngày lê bước chân băng qua những mỏm đá chênh vênh chốn rừng thiêng nước độc.
"Tính sơ sơ, quãng đường đi bộ của anh em trong đội ngót nghét 70.000 km" - anh Lê Thành nói.
Theo đó, gần 900 người vi phạm đã bị phát hiện, gần 15.000 bẫy thú bị tháo gỡ với hàng trăm động vật bị săn bắn, vận chuyển; hàng chục khẩu súng tự chế phục vụ việc săn bắn của lâm tặc bị thu giữ, hàng trăm thú rừng mắc bẫy được giải cứu.
Đêm lạnh giữa rừng
Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường cho hay, hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của các lực lượng đã hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sinh, các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã đã bị khống chế.
Thú rừng dính bẫy
Rời những cánh rừng nguyên sơ của Vườn Quốc gia Pù Mát trong chiều muộn, hỏi về thu nhập của những người đang ngày đêm giữ rừng mà không khỏi băn khoăn: "Hơn 8 triệu/tháng anh ạ".
Ấy vậy mà giữa hiểm nguy rình rập, gian khó bủa vây, họ cho biết, ngày mai anh em sẽ lại gùi đồ đạc trở lại rừng.
Quang Minh - Anh Tuấn