Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng các cửa khẩu quốc tế, quốc gia tại Mường Lát vào thời điểm này là chưa phù hợp. Mở cửa khẩu để tăng cường giao thương, buôn bán chứ không phải để qua lại thăm nhau.
Sáng 10/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa bế mạc kỳ họp lần thứ 20, nhiệm kỳ 2021-2024. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã tiếp thu giải trình một số vấn đề đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu, cử tri
Trước đó, tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, các ý kiến thảo luận đã nêu nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn; đề xuất kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đề xuất nâng cấp, mở cửa khẩu tại Mường Lát
Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát (huyện giáp biên giới với tỉnh Hủa Phăn, Lào) đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp cửa khẩu quốc gia Tén Tằn thành cửa khẩu quốc tế; đồng thời xây dựng 2 lối mở Cang – Bó tại xã Mường Chanh và Kéo Hượn – Khằm Nàng tại xã Nhi Sơn thành cửa khẩu quốc gia.
Trả lời ý kiến đề nghị của đại biểu Ca, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, mở cửa khẩu quốc tế, quốc gia phải đảm bảo các tiêu chí, thực sự cần thiết mới thực hiện.
“Trước sau chúng ta cũng sẽ làm nhưng làm thời điểm nào. Nếu xây dựng cửa khẩu quốc tế và hai cửa khẩu quốc gia chỉ để qua lại thăm nhau thì chưa cần thiết. Lâu nay mọi người vẫn qua lại thăm nhau bình thường mà không cần cửa khẩu quốc tế, quốc gia. Điều quan trọng là mở ra phải nhằm mục đích giao thương, thông thương kinh tế, thương mại”, ông Tuấn nói.
Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát kiến nghị tỉnh xây dựng 2 cửa khẩu quốc gia tại địa phương
Ông Tuấn đặt vấn đề liệu hiện nay Mường Lát có sản phẩm gì lớn để đưa sang Lào bán hay không? Các phương tiện giao thông lớn, hàng hóa từ các địa phương khác trong tỉnh có đi qua cửa khẩu tại Mường Lát khi tỉnh đã có cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Quan Sơn? Từ đó, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc nâng cấp đầu tư, xây dựng các cửa khẩu quốc tế, quốc gia tại Mường Lát vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo huyện Mường Lát cần làm tốt việc chăm lo cho người dân, giữ dân, giữ rừng, giữ biên giới. Những vấn đề quá xa, chưa sát sườn với người dân thì cần có lộ trình, thời gian bởi Mường Lát còn vô vàn khó khăn.
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc kỳ họp
Nóng chuyện ô nhiễm từ trang trại lợn
Đại biểu Hoàng Văn Thanh, chủ tịch UBND huyện Lang Chánh đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo các trang trại chăn nuôi không để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Trước đó, người dân xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh đã tập trung phản đối trang trại chăn nuôi của Công ty Agri-Vina trên địa bàn gây mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Chủ tịch UBND huyện đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu công ty khắc phục nhưng tình hình không được cải thiện.
Giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết tỉnh đã cử các đoàn đến nơi nắm tình hình, chỉ đạo nhưng xử lý chưa dứt điểm, để người dân bức xúc.
Trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường tại huyện Lang Chánh
Trách nhiệm, theo ông Tuấn trước hết thuộc về nhà đầu tư. Bởi khi lập dự án thì cam kết đảm bảo các quy định về môi trường nhưng khi thực hiện thì không đáp ứng được.
“Các cơ quan tham mưu cũng có trách nhiệm. Công nhận hết về tác động môi trường, khoảng cách với khu dân cư nhưng là công nhận trên giấy”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận trách nhiệm và cam kết sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm. “Phải cho dừng hẳn đến khi nào không còn ô nhiễm mới cho hoạt động lại. Nếu không sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Đền bù hay ra tòa cũng chấp nhận”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phiên giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, cử tri của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn được truyền hình trực tiếp
Lấy ví dụ về các nhà máy giấy đặt ở đầu nguồn, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa băn khoăn vì sao chủ đầu tư lại đề xuất đặt ở vị trí cách sông 50m đến 100m. Phải chăng là để xả thải xuống sông? Tại sao chủ đầu tư không vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp?
Tinh thần chung, theo ông Tuấn, đối với những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường đến người dân, tỉnh sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư. Các cơ quan tham mưu, các địa phương khi đề xuất, tham mưu các dự án cần nghiên cứu kỹ trước khi gửi UBND tỉnh.
Ngay sau kỳ họp này, ông Tuấn cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề mà đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm, chất vấn.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng tham mưu, giải quyết công việc của các sở, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tính nghiêm minh của pháp luật. Từng bước chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy, sách nhiễu, phiền hà.
Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 16 nghị quyết có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, gồm 6 nghị quyết quy phạm pháp luật; 3 nghị quyết về kế hoạch đầu tư phát triển, phân bổ vốn, thu, chi ngân sách Nhà nước; 3 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án và 4 nghị quyết về các nội dung quan trọng khác.
Quang Duy