Masan còn bù lỗ sau khi mua VinCommerce

02/11/2020 10:19
Ba mảng kinh doanh chính của Masan gồm thịt, hàng tiêu dùng, khoáng sản dù “cày” tích cực vẫn chưa thể ngăn việc bù lỗ cho VinCommerce khi lợi nhuận sau thuế quý 3-2020 chỉ đạt 973 tỉ đồng.

TTO - Ba mảng kinh doanh chính của Masan gồm thịt, hàng tiêu dùng, khoáng sản dù “cày” tích cực vẫn chưa thể ngăn việc bù lỗ cho VinCommerce khi lợi nhuận sau thuế quý 3-2020 chỉ đạt 973 tỉ đồng.

Masan còn bù lỗ sau khi mua VinCommerce

Masan vẫn chưa thể bù đắp nổi chi phí phải gánh cho VinCommerce (VCM) kể từ khi mua lại của Tập đoàn Vingroup từ cuối năm 2019 - Ảnh: T.T

Kết quả kinh doanh quý 3-2020 của một loạt các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh có sức mạnh chi phối thị trường vừa được công bố.

Dù ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trong quý 3-2020 tăng trưởng đến 125,4%, tương ứng 20.214 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) chỉ đạt 973 tỉ đồng, giảm 59,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng của năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Masan giảm đến 82,4% so với năm 2019, đạt 811 tỉ đồng.

Việc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này vẫn chưa thể khôi phục như kỳ vọng, thậm chí ba mảng kinh doanh khác đang "ăn nên làm ra" của Masan gồm thịt (Masan MEATLife), hàng tiêu dùng nhanh (Masan Consumer Holdings) và khoáng sản (Masan High-Tech Materials) vẫn chưa thể bù đắp nổi chi phí phải gánh cho VinCommerce (VCM) kể từ khi mua lại của Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, ban điều hành của Masan vẫn cho rằng kế hoạch VCM cải thiện lợi nhuận đã chứng minh hiệu quả và đang trên đà đạt EBITDA (lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp - PV) hòa vốn trong quý 4-2020 thông qua việc tối ưu hóa hệ thống cửa hàng (đóng cửa các cửa hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận), cải thiện danh mục sản phẩm, chính sách giá và tạo lập giá trị cho người tiêu dùng.

Hiệu quả ban đầu ghi nhận với biên EBITDA lên mức 2,8% trong quý 3-2020 so với 6,7% của quý 3-2019, đưa biên lợi nhuận gộp cải thiện 2,4% và chi phí hoạt động giảm 1,3%.

Trong khi đó, với Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), dù doanh thu thuần trong quý 3-2020 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước 17%, nhưng lợi nhuận sau thuế của Bia Sài Gòn ghi nhận mức tăng trưởng dương hiếm hoi ở mức 1%, tương ứng 1.470 tỉ đồng sau hai quý đầu của năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 1.393 tỉ đồng.

Giải trình báo cáo tài chính quý 3-2020, Sabeco cho rằng doanh thu hồi phục so với quý trước do thị trường khôi phục dù chi phí doanh nghiệp tăng 15% và chi phí bán hàng giảm 2%.

Lũy kế 9 tháng cũng ghi nhận Bia Sài Gòn đã chi tăng xấp xỉ 20%, tương ứng khoảng 1.165 tỉ đồng cho các hoạt động tiếp thị quảng cáo.

Đây cũng là quan điểm của xuyên suốt của ban lãnh đạo doanh nghiệp này khi việc ra mắt một loạt sản phẩm mới trong một thời gian tương đối ngắn không nằm ngoài mục tiêu gia tăng danh mục sản phẩm cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, kể cả khi nghị định 100 hay dịch COVID-19 vẫn là trở ngại rất lớn trong việc khôi phục doanh số như kỳ vọng.

Bộ Công thương chuyển giao 2.308 tỉ đồng vốn nhà nước tại Sabeco về SCIC

TTO - Giá trị vốn đầu tư nhà nước tại Sabeco chuyển giao từ Bộ Công thương về SCIC là hơn 2.308 tỉ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco.

TRẦN VŨ NGHI

tuoitre.vn

Masan còn bù lỗ sau khi mua VinCommerce - Kinh Tế