Doanh nghiệp thực phẩm khát vốn

01/09/2022 07:18
Chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao lại khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp lương thực thực phẩm cho biết đang rất khó khăn.

Chia sẻ trong buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM với doanh nghiệp hôm nay, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết các doanh nghiệp ngành này hiện nay đều đi vào sản xuất ổn định và tăng trưởng khả quan.

Dẫu vậy, áp lực đầu vào tăng cao đang đặt ra bài toán khó. Bởi muốn phục hồi nhanh và bền vững, ngành lương thực thực phẩm cần được hỗ trợ nguồn vốn. Theo bà Chi, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm giá xăng dầu... riêng nguồn vốn vay từ ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Bà phân tích, các doanh nghiệp thực phẩm đa phần có quy mô vừa và nhỏ, số lượng đơn vị đã niêm yết trên sàn chứng khoán rất ít. Vì thế, họ chủ yếu phải dựa vào vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, nền giá vốn sản xuất của ngành này đã tăng một nửa do áp lực nguyên nhiên phụ liệu. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần nguồn vốn khoảng 100-200 tỷ đồng đã đủ sản xuất ổn định, nay số tiền trên phải tăng lên 50-60%.

Chủ tịch FFA nêu tình trạng, nhiều đơn vị tìm đến vay ngân hàng lại không có tài sản để thế chấp. Chưa kể, có tài sản thế chấp rồi, doanh nghiệp vẫn khó vay được vì hệ thống tín dụng đang cạn "room". Do đó, hầu hết doanh nghiệp ngành này đều phải tự xoay sở để hoạt động.

"Thời gian qua, chúng tôi luôn giữ ổn định nguồn cung và giá cả xuyên suốt giai đoạn dịch bệnh, thậm chí là cầm cự đến tháng 3/2022. Làm được như thế vì các doanh nghiệp đã dùng toàn bộ nguồn hàng dự trữ để đưa ra thị trường", bà Chi nói và bỏ ngỏ về khả năng tăng giá của nhóm hàng lương thực thực phẩm thời gian tới.

Không chỉ ngành thực phẩm, câu chuyện khát vốn cũng diễn ra với các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Tại một diễn đàn về "Khai thông tín dụng cho chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản" gần đây, các hợp tác xã nông nghiệp cũng than phiền tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp), cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, các hợp tác xã cần có cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn giúp đỡ trong việc thẩm định tài sản vay vốn. Ông dẫn chứng hợp tác xã Bình Thành kinh doanh điện nông thôn, có tài sản gần 10 tỷ đồng nhưng không thể thế chấp vì cán bộ ngân hàng không thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm. Do đó, cần có một đơn vị đứng ra xác nhận chủ sở hữu để hợp tác xã thế chấp với ngân hàng.

Thời gian tới, nếu bắt buộc doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho vay, theo ông Đời, các hợp tác xã lại càng khó khăn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của hợp tác xã.

Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho biết nhiều năm qua, vai trò của nông nghiệp được khẳng định khá rõ nét nhưng họ chưa được hỗ trợ tương xứng để phát triển. Do đó, cần giải quyết các bất cập liên quan đến thể chế để các hợp tác xã, nông dân bớt khó khăn.

Các chuyên gia lo ngại việc hợp tác xã không thể tiếp cận ngân hàng thương mại sẽ khó đầu tư chế biến, chỉ có thể tập trung thu gom nông sản, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM, cho rằng việc xét duyệt cho vay tùy thuộc vào phương hướng của các ngân hàng thương mại và tình hình tài chính, phương án kinh doanh của doanh nghiệp. "Điều này là bình thường", ông nói.

Tuy nhiên đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Ở mặt vĩ mô, ông thông tin rằng năm nay cơ quan này điều hành dòng vốn với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong mức 4% và tín dụng tăng trưởng 14%. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mở "room" để đạt mức tăng trưởng kể trên, tương đương 450.000 tỷ đồng.

Chi nhánh TP HCM từ đầu năm đến nay triển khai nhiều chương trình kết nối nhà băng với doanh nghiệp. 8 tháng đầu năm, các chương trình kết nối trên đã hỗ trợ 26 doanh nghiệp vay với tổng cộng hơn 236.000 tỷ đồng. Từ khi gói hỗ trợ lãi 2% có hiệu lực, trong 3 tháng qua, cơ quan này cũng đã tổ chức 4 hội nghị phổ biến và giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp. Ông Tuấn lưu ý thêm, nguồn vốn của gói hỗ trợ này lấy từ Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đúng và đầy đủ để dễ tiếp cận hơn.

Tính đến 15/8, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 9,6% tương đương trên 11,45 triệu tỷ đồng. Từ tháng 7 tới giữa tháng 8, tín dụng chỉ tăng thêm 0,27% - thấp so với mức trung bình gần 1,6% mỗi tháng - giai đoạn nửa đầu năm.

 

vnexpress.net

Doanh nghiệp thực phẩm khát vốn - Tin Mới