Bình Dương và Đồng Nai dồn sức bảo vệ công nhân

22/06/2021 10:44
TTO - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ở thời điểm này, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lực rất quan trọng của mình: công nhân.

TTO - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ở thời điểm này, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lực rất quan trọng của mình: công nhân.

Bình Dương và Đồng Nai dồn sức bảo vệ công nhân

Công nhân trong khu lưu trú của một công ty ở Đồng Nai chỉ ra ngoài khi được sự đồng ý của người quản lý - Ảnh: THANH TUỆ

Ông Nguyễn Hoàng Thao - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết UBND tỉnh đã có kiến nghị với Ban Chỉ đạo trung ương ưu tiên phân bổ vắc xin ở mức cao nhất có thể để tiêm cho công nhân tại Bình Dương bởi vì tỉnh Bình Dương có rất nhiều nhà máy, như một "công xưởng", với quá nửa dân số là người lao động nhập cư, nên việc tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 trong công nhân rất cần được ưu tiên.

Tập huấn cho nhân viên y tế của các công ty

Ngày 21-6, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bình Dương tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi có tới 21 ca dương tính mới trong cộng đồng, vượt ngưỡng trên 100 ca kể từ đợt dịch thứ tư.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt khi có nhiều ca là công nhân (đã có trên 10 nhà máy có công nhân nhiễm), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh mở rộng các khu cách ly tập trung đảm bảo 10.000 giường, lên phương án kịp thời vận chuyển người cách ly tập trung...

Các hoạt động của chợ tự phát, nhất là chợ tự phát tại các khu công nghiệp và khu nhà ở công nhân, được yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Các đô thị đông công nhân của Bình Dương như thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên, một số phường của thành phố Dĩ An và Thủ Dầu Một đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Riêng phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) được phong tỏa để sàng lọc ca nhiễm COVID-19.

Về lâu dài, ngoài việc mong muốn sớm có vắc xin, bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết với các doanh nghiệp lớn, có từ vài ngàn tới vài chục ngàn công nhân như Giày da Thái Bình, Chí Hùng, Yazaki... thì công đoàn đã phối hợp với lực lượng chức năng tập huấn cho các nhân viên y tế của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở về biện pháp ứng phó khi có các ca nhiễm. Việc tập huấn này sẽ được mở rộng tới các nhà máy khác trong thời gian tới.

Làm nhà containercho công nhân ở lại

Tại Đồng Nai, nơi có 32 khu công nghiệp (KCN) với hơn 1,2 triệu lao động (620.000 lao động trong các KCN), một số doanh nghiệp đã xây dựng các giải pháp riêng vừa bảo đảm an toàn cho người lao động vừa để ổn định sản xuất.

Đi đầu là 3 doanh nghiệp gồm Dược phẩm Shinpoong Daewoo (KCN Biên Hòa 2), GreenFeed (KCN Sông Mây) và Sơn Ocean VN (KCN Long Thành) đang triển khai bố trí người lao động lưu trú tại nơi làm việc.

Ông Trần Thanh Tuệ - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sơn Ocean VN - cho hay lường trước khả năng dịch càng ngày càng gia tăng, công ty bố trí cho người lao động tạm lưu trú ngay tại công ty để vừa bảo vệ người lao động vừa giữ được tiến độ sản xuất.

Khoảng 2 tuần trước, phía công đoàn và lãnh đạo công ty có bàn bạc, đưa ra phương án làm nhà container cho công nhân ở lại. Sau khi được các ngành chức năng cho phép, công ty đã thuê 7 nhà container dựng liền kề làm nơi ở cho người lao động.

Mỗi căn nhà container dài 8 - 9m, rộng khoảng 30m2 với đầy đủ tiện nghi: máy lạnh, thông gió, cửa sổ, đèn chiếu sáng, mỗi người một bộ chăn nệm, máy giặt... dành cho 6 người ở thành 2 ca (mỗi ca 3 người).

Ngoài ra, công đoàn còn mua tivi, bóng chuyền cho người lao động giải trí trong những ngày nghỉ. Công ty đã cung cấp 3 bữa ăn từ lâu nay, nên khi công nhân chấp nhận ở lại thì chỉ cần bổ sung thêm khẩu phần dinh dưỡng tùy ý.

Trường hợp có việc đột xuất, lao động có thể về giải quyết việc nhà. Tuy nhiên, khi quay lại, lao động sẽ được đưa đi xét nghiệm, đảm bảo "sạch" mầm bệnh mới vào khu lưu trú.

Các trường hợp không thể lưu trú trong công ty, người lao động được bố trí làm ở vòng ngoài (cách ly hoàn toàn với khu lưu trú) và làm các công việc xuất nhập hàng song vẫn phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, đo thân nhiệt và xét nghiệm định kỳ.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần GreenFeed chi nhánh Đồng Nai cho hay cũng tạo điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở cho công nhân trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng phương án bố trí nơi lưu trú cho công nhân ngay trong cơ sở sản xuất chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vài trăm công nhân lao động.

Hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân ở xa

Đối với các doanh nghiệp lớn với hàng chục ngàn lao động, việc bố trí chỗ ở đại trà cho công nhân rất khó. Thay vào đó, họ khuyến khích thuê phòng trọ và chi tiền hỗ trợ.

Đơn cử như Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) với khoảng 42.000 lao động, trong đó có gần 2.000 lao động từ Bình Dương qua Đồng Nai làm việc.

Trước mắt, công ty khuyến khích người lao động tìm khu nhà trọ ở lại Đồng Nai, công ty sẽ hỗ trợ chi phí thuê trọ. Những công nhân không thể ở lại và phải đi về trong ngày thì phải cam kết thực hiện 5K và chỉ được phép đi đến công ty rồi về nhà.

Hàng ngàn công nhân TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 trong ngày chủ nhật

TTO - Sáng 20-6, lực lượng y tế đã triển khai nhiều điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp trọng điểm ở TP.HCM.

A LỘC - BÁ SƠN

Nguồn tuoitre.vn

Bình Dương và Đồng Nai dồn sức bảo vệ công nhân - Đời Sống