Thời gian qua, không chỉ người đi đường mà người dân địa phương không khỏi lo lắng trước những nguy hiểm rình rập khi lưu thông qua khu vực bị sạt lở trên tuyến đường ĐT.687 (Tỉnh lộ 7), đoạn qua xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Người dân cho hay, tình trạng sạt lở, sụt lún tại đoạn đường này đã xảy ra hơn nữa năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Loan (trú tại buôn Tung 3, xã Buôn Triết) cho rằng, việc chậm trễ sửa chữa đoạn đường sạt lở nói trên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông của các phương tiện. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông, đặc biệt là học sinh trong quá trình đi học qua đoạn đường sạt lở.
Đoạn đường Tỉnh lộ 7, đoạn qua xã Buôn Triết bị sạt lở.
Bà Loan giải thích: “Đoạn đường bị sạt lở là một khúc cua, tầm nhìn bị hạn chế. Hiện nay, chỉ còn duy nhất một làn đường cho các phương tiện lưu thông. Nhiều khi, những xe tải trọng lớn đi qua, không còn chỗ cho các phương tiện khác như xe máy, xe đạp, xe cày... tránh.
Trong khi đó, hàng ngày, mật độ các phương tiện, đặc biệt là xe tải trọng lớn lưu thông qua đoạn đường này rất đông và chạy với tốc độ cao. Thêm vào đó, khu vực đoạn đường sạt lở không có đèn chiếu sáng về đêm nên càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người đi đường”.
Để hạn chế nguy hiểm khi lưu thông qua đoạn đường sạt lở, người dân thường bấm còi từ xa để cảnh báo cho các phương tiện phía trước. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi sự cố.
“Trong quá trình lưu thông qua đoạn đường này, một số phương tiện đã xảy ra va quẹt. May mắn, nạn nhân các vụ va chạm chỉ xây xát nhẹ nhưng những tình huống như vậy đã khiến người tham gia giao thông phải đối mặt với cảm giác vô cùng lo lắng”, một người dân tại xã Buôn Triết nói.
Tương tự, ông Lê Khắc Minh (trú tại xã Buôn Triết) kể: “Cách đây hơn 1 tháng, trong lúc lưu thông qua đoạn đường sạt lở vào ban đêm, người cháu khoảng 17 tuổi của tôi đã bất ngờ tông vào vật cản báo hiệu đoạn đường bị sạt lở. Rất may, cháu tôi chỉ bị trầy xước chân, tay, không nguy hiểm đến tính mạng”.
Đoạn đường bị sạt lở là một khúc cua.
Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, đoạn đường bị sạt lở tại khúc cua, khuất tầm nhìn nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các huyện, các tỉnh.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch đầu tư, bố trí kinh phí để tu sửa đoạn đường sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh đã về làm việc, kiểm tra nhiều lần, đồng thời giăng dây, lắp đèn cảnh báo tại đoạn đường nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay, việc sửa chữa, khắc phục đoạn đường sạt lở vẫn chưa được thực hiện.
“Nếu tình trạng sạt lở không được khắc phục sớm thì vào mùa mưa sắp tới, tình trạng hư hỏng tại đoạn đường này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời tăng thêm tính nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết lo ngại.
Hàng ngày, có nhiều phương tiện tải trọng lớn lưu thông qua đoạn đường sạt lở.
Vị trí hư hỏng trên thuộc phạm vi Dự án cải tạo, nâng cấp và kéo dài Tỉnh lộ 7.
Tỉnh chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân hư hỏng
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, vị trí hư hỏng trên thuộc phạm vi Dự án cải tạo, nâng cấp và kéo dài Tỉnh lộ 7, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự án này có tổng chiều dài hơn 12,2km (từ Km9+00 đến Km21+222), với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 20/11/2019, nghiệm thu hoàn thành ngày 14/12/2021.
Ngày 28/01/2022, chủ đầu tư đã bàn giao dự án nêu trên cho Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Lắk quản lý. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải quản lý đoạn Km9+00 - Km11+976 dài 2,976km, UBND huyện Lắk quản lý đoạn Km11+976 - Km21+222 dài 9,246 km.
Người dân không khỏi bất an khi lưu thông qua đoạn đường bị sạt lở.
Công trình nói trên được chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan xác nhận hết thời gian bảo hành vào ngày 28/3/2023. Đến ngày 6/4/2023, UBND huyện Lắk và Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
Đến ngày 3/10/2023, tại phạm vi Km17+540 bên phải tuyến: Nền, mặt đường bị sạt lở; phạm vi sụt lở lấn vào mặt đường bê tông nhựa hơn 1,0m, kéo dài gần 20m, bề rộng vết nứt (40-90)cm, mặt đường bị lún sâu (120-180)cm; vết nứt chạy dọc theo taluy nền đường phía bên phải tuyến kéo dài 60m.
Tại phạm vi Km17+875, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện vết nứt dọc kéo dài 20m, vết nứt rộng (1-2)cm; mặt đường tại vị trí tiếp giáp vết nứt bị lún, lõm, rộng 1,0m.
Mới đây, ngày 27/5/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và Sở Tài chính về việc tham mưu phương án khắc phục hư hỏng tại Km17+540 - Km17+875 tuyến đường Tỉnh lộ 7 (đoạn qua địa bàn xã Buôn Triết, huyện Lắk).
Biển cảnh báo đường sạt lở nguy hiểm.
Khu vực sạt lở đã được giăng dây, cảnh báo nguy hiểm.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan tiến hành rà soát hồ sơ hiện có, đánh giá mức độ hư hỏng của công trình theo quy định hiện hành.
Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân (chủ quan, khách quan trong từng giai đoạn: khảo sát, thiết kế, thi công,…), trách nhiệm (nếu có) của các bên liên quan.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải chủ động tổ chức giải quyết các việc có liên quan đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, các đơn vị có liên quan để thống nhất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án khắc phục bảo đảm tuân thủ pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan, triển khai các phương án phù hợp nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Tỉnh lộ 7 (đoạn đang có hư hỏng). Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để giải quyết theo quy định.
Khánh Ngọc